Viêm mũi dị ứng:
Viêm mũi dị ứng là bệnh di truyền miễn dịch. Di truyền vì theo thống kê cho thấy nếu một trong hai bố hoặc mẹ có tiền sử viêm mũi dị ứng thì xác xuất con bị là 30%, nếu cả hai bố và mẹ mắc thì con số này là 50%. Đồng thời là bệnh lý thuộc miễn dịch vì liên quan đến kháng nguyên kháng thể & những hoá chất trung gian như histamine, prostaglandin 2, leucotrienes.
Nguy cơ gây viêm mũi dị ứng:
Trong gia đình có người bị viêm mũi dị ứng.
Do tiếp xúc với các yếu tố có thể gây dị ứng bởi đường hô hấp hay qua da như: bụi, phấn hoa, lông vũ, nấm mốc, thuốc, côn trùng, biểu bì, vảy da, lông súc vật, khói thuốc lá, nước sơn, mỹ phẩm…; qua đường tiêu hoá như: tôm, cua, sữa, thuốc uống…; do nhiễm trùng; thay đổi khí hậu đột ngột; yếu tố dị hình của mũi như vẹo hay gai vách ngăn…
Triệu chứng:
Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, xuất hiện theo mùa hay quanh năm. Các triệu chứng: ngứa mũi, nhột mũi, nhảy mũi, chảy mũi nước trong, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, ngứa mắt, ngứa họng, ngứa tai…
Điều trị:
Hiện nay bệnh viêm mũi dị ứng gần như chưa trị dứt hẳn được. Việc điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng giảm hoặc mất trong một thời gian sau đó có thể bị lại khi không còn dùng thuốc. Điều trị dùng những phương pháp sau:
Bệnh nhân phải tự bảo vệ bản thân mình khỏi các yếu tố dị nguyên bằng cách mang khẩu trang khi tiếp với bụi, tránh chơi với mèo hay chó…nếu mỗi khi tiếp xúc với chúng thấy xuất hiện các triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi…
Dùng thuốc uống khi các triệu chứng nhiều gây giảm chất lượng cuộc sống. Thuốc uống có tác dụng nhanh chóng nhưng thời gian tác dụng cũng ngắn, thuốc xịt tuy thời gian phát huy tác dụng thì lâu hơn song tác dụng của nó thì kéo dài sau thời gian ngưng thuốc.
Việc uống thuốc hay xịt thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phẫu thuật: chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi qua nội soi.